Mụn viêm nang lông: Hiểu đúng để xử lý đúng cách

Mụn viêm nang lông là tình trạng da liễu thường gặp. Nó thường bị nhầm lẫn với mụn trứng cá do khởi phát từ mụn đỏ nhỏ li ti. Mặc dù không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng mụn viêm nang lông nếu để lâu và không điều trị sớm có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Để hiểu rõ hơn về mụn viêm nang lông, cùng Sahemul tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Mụn viêm nang lông: Hiểu đúng để xử lý đúng cách 1

Mụn viêm nang lông là gì?

Mụn viêm nang lông là tình trạng viêm do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập gây ra tại một hoặc nhiều nang lông. Khi mới hình thành, mụn viêm nang lông có biểu hiện giống với mụn trứng cá hoặc những nốt đỏ thông thường.

Mụn viêm lông có các dấu hiệu và triệu chứng điển hình như:

  • Đám mụn nhỏ, màu đỏ hoặc mụn đầu trắng phát triển xung quanh hoặc chính giữa nang lông.
  • Mụn nước chứa đầy mủ vỡ ra và đóng vảy.
  • Cảm giác ngứa rát kèm theo đau.

Mụn viêm nang lông có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, trừ môi, lòng bàn chân, lòng bàn tay. Mụn không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nó có thể khiến bạn cảm thấy ngứa rát, khó chịu và gây mất thẩm mỹ.

Nguyên nhân bị viêm nang lông

Nguyên nhân phổ biến dẫn tới viêm nang lông là do sự tấn công và xâm nhập của vi khuẩn Staphylococus aureus (tụ cầu). Ngoài ra, nó còn do nấm, virus, hoặc tình trạng viêm nhiễm do lông mọc ngược gây ra.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm nang lông:

  • Sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc hồ bơi không sạch.
  • Vết thương hở trên da, ví dụ như vết xước, vết cắt, vết do côn trùng cắn,…
  • Thói quen cạo hoặc tẩy lông các vùng trên cơ thể như lông tay, lông chân.
  • Cơ địa tiết nhiều mồ hôi.
  • Mặc quần áo chật hoặc che chắn da bằng các vật dụng không thoáng khí.
  • Mắc các bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch như tiểu đường, ung thư, HIV,…
  • Sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài.
Nguyên nhân bị viêm nang lông 1
Thường xuyên cao lông là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ hình thành mụn viêm nang lông

Điểm mặt các loại mụn viêm nang lông

Mụn viêm nang lông được phân loại dựa trên độ nông sâu, mức độ lan rộng của tình trạng viêm, bao gồm 2 loại chính là viêm nang lông trên bề mặt và viêm nang lông sâu.

Viêm nang lông bề mặt

☛ Viêm nang lông do tụ cầu vàng: Viêm nang lông do nhiễm Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) là loại mụn phổ biến. Loại mụn này thường là mụn nhỏ đỏ hoặc màu trắng chứa đầy dịch mủ. Phần lớn loại mụn này thường tự khỏi sau vài ngày mà không cần can thiệp các biện pháp điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mụn viêm nang lông kéo dài dai dẳng và nghiêm trọng.

☛ Viêm nang lông do Pseudomonas aeruginosa (bồn tắm nước nóng): Biểu hiện là các nốt mụn đỏ, tròn, ngứa sau 1 – 2 ngày tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh. Mụn này do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa gây ra, thường xuất hiện tại bồn tắm, hồ bơi không được vệ sinh sạch sẽ hoặc hồ bơi có pH và hàm lượng Clo không đạt tiêu chuẩn đã quy định.

☛ Viêm nang lông do Malassezia: Malassezia là một loại nấm men thường tồn tại trên da. Loại nấm này xâm nhập vào nang lông gây ra tình trạng ngứa ngáy và nổi mụn. Mụn thường xuất hiện ở vùng ngực và lưng.

Viêm nang lông sâu

Viêm nang lông do Sycosis barbae: Đây là loại mụn gặp phổ biến ở nam giới và thường tái phát tại vùng lông tóc rậm như lông mày, râu, tóc,… Mụn này thường tập trung thành mảng, da trợt, có vảy che phủ, có mụn mủ ở giữa, mụn có thể chảy nước. Mụn ăn sâu tạo thành các u nhỏ, ấn vào chảy nước và rất dễ để lại sẹo.

Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm: Loại mụn này thường gặp ở những bạn điều trị mụn trứng cá bằng kháng sinh trong thời gian dài. Sử dụng kháng sinh dài ngày không những làm mất cân bằng hệ vi sinh trên da mà còn gia tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc, từ đó vi khuẩn tiếp tục sinh sôi và phát triển. Điều này khiến tình trạng mụn trứng cá của bạn thêm tồi tệ và kèm theo mụn viêm nang lông.

Nhọt: Đây là tình trạng viêm nang lông sâu cấp tính, có thể chỉ có một hoặc nhiều nhọt tụ thành từng mảng. Những tổn thương do nhọt gây ra có thể ăn sâu cả vào vùng da bao bọc nang lông, hoại tử tổ chức, biến thành ngòi mủ màu xanh vàng. Khi ngòi mủ khô để lại vết loét sâu. Điều này có thể dễ dàng lý giải vì sao nhọt rất dễ để lại sẹo.

Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan: Mụn này thường gặp trên bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, điển hình là người bị HIV/AIDS. Mụn có biểu hiện ngứa dữ dội. Mụn tái phát hình thành gần các nang lông ở mặt và phần phía trên cơ thể. Sau khi mụn được chữa khỏi thường để lại vùng da sẫm màu hơn do làm tăng sắc tố da.

Viêm nang lông sâu 1
Nhọt là mụn viêm nang lông ở mức độ nặng, ăn sâu vào tổ chức da và dễ để lại sẹo

Điều trị mụn viêm nang lông

Việc lựa chọn biện pháp điều trị mụn viêm nang lông cần được đánh giá dựa trên tình trạng, mức độ nặng hay nhẹ và nguyên nhân gây ra mụn. Trong trường hợp mụn viêm nang lông ở mức độ nhẹ, bạn có thể điều trị tại nhà hoặc nó có thể tự khỏi sau khoảng 2 tuần mà không cần điều trị.

Ngược lại, trong trường hợp mụn viêm nang lông ở mức độ nặng, bạn cần được điều trị tại các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn và tránh tình trạng mụn tiến triển nghiêm trọng hơn.

Điều trị tại nhà

Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc và điều trị mụn viêm nang lông tại nhà mà bạn có thể tham khảo:

Chườm ấm:

Biểu hiện đặc trưng của mụn viêm nang lông là ngứa rát, thậm chí là đau tại vị trí da bị viêm. Chính vì vậy, chườm ấm là một trong những biện pháp điều trị tại nhà khá hữu hiệu giúp xoa dịu các cơn đau, ngứa ngáy khó chịu. Bạn có thể dùng túi sưởi ấm hoặc khăn ngâm trong nước nóng (đã vắt ráo và gấp lại) đắp lên vùng da cần điều trị trong khoảng 15 – 20 phút. Duy trì thực hiện biện pháp này mỗi ngày sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng đau kèm theo ngứa rát.

Vệ sinh vùng da bị bệnh:

Giữ vùng da bị bệnh luôn sạch sẽ là một trong những biện pháp giúp ngăn ngừa tình trạng mụn tiến triển nghiêm trọng hơn và đẩy lùi nguy cơ lây lan sang vùng da lành. Những sản phẩm sữa tắm, vệ sinh da có tính kháng khuẩn, kháng viêm là sự lựa chọn tối ưu trong quá trình điều trị mụn viêm nang lông.

Tăng cường bổ sung dưỡng chất cho da:

Bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu nhằm tăng cường sức đề kháng và giúp da phục hồi nhanh hơn. Bạn có thể sử dụng các loại mặt nạ từ thiên nhiên vừa có tính kháng khuẩn, kháng viêm vừa giúp bổ sung dưỡng chất cho da như:

  • Mật ong: Được mệnh danh là “kháng sinh tự nhiên” có khả kháng khuẩn, kháng nấm và cấp ẩm vượt trội cho làn da của bạn. Bạn có thể kết hợp mật ong với một số nguyên liệu khác như nghệ, trà xanh, cà chua,…
  • Tinh dầu tràm trà: Nhắc đến nguyên liệu tự nhiên có khả năng kháng khuẩn, chống viêm thì không thể bỏ qua tinh dầu tràm trà. Chỉ với vài giọt tinh dầu tràm trà pha với nước sạch là bạn đã sở hữu ngay bí quyết giúp điều trị mụn viêm nang lông tại nhà rồi đấy.
  • Nha đam: Nổi tiếng với công dụng làm dịu kích ứng nhanh chóng, nha đam là nguyên liệu tiếp theo mà bạn cần “ghi nhớ”. Bạn có thể chà trực tiếp phần gel nha đam lên vùng da cần điều trị và chờ trong khoảng 15 – 20 phút rồi rửa lại với nước ấm.

Điều trị bằng thuốc

Sau khi đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà kể trên mà mụn viêm nang lông vẫn không có dấu hiệu chuyển biến tích cực, bạn nên đi thăm khám bác sĩ để được xử lý và điều trị kịp thời.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Cụ thể:

Thuốc điều trị tại chỗ: Thuốc điều trị tại chỗ được sử dụng chủ yếu dưới dạng kem bôi ngoài da, dùng cho cả trường hợp mụn viêm nang lông do tụ cầu, nấm, virus, vi khuẩn gram âm,… Một số loại kem bôi ngoài da được sử dụng phổ biến là cồn iod, Betadine, Fucidin, Bactroban,…

Điều trị bằng thuốc 1
Fucidin – Kem bôi ngoài da được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn viêm nang lông

Thuốc điều trị toàn thân: Được chỉ định khi mụn viêm nang lông ở mức độ nặng và tái phát thường xuyên.

  • Viêm nang lông do tụ cầu: Sử dụng nhóm kháng sinh Beta lactam, nhóm Cephalosporin, kháng sinh Amoxicillin, Metronidazole, Ciprofloxacin, Co-trimoxazol,…
  • Viêm nang lông do nấm: Có thể sử dụng một số thuốc kháng nấm như Itraconazole, Fluconazole, Terbinafine,…
  • Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: Thường được chỉ định dùng kháng sinh Amoxicillin, Co-trimoxazol,… Trong một số trường hợp có thể dùng thêm Isotretinoin.
  • Viêm nang lông do virus Herpes: Một số thuốc tiêu biểu trong điều trị virus Herpes là Acyclovir, Valacyclovir,…

Bạn cần lưu ý việc sử dụng các thuốc điều trị trên phải được chỉ định bởi bác sĩ, dược sĩ hoặc người có chuyên môn. Không những thế, bạn cần phải tuân thủ theo đúng liều dùng mà bác sĩ, dược sĩ đã kê, tuyệt đối không được tự ý thay đổi thuốc hoặc tăng, giảm liều dùng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ, dược sĩ.

Việc không tuân thủ liều dùng và thời gian sử dụng thuốc có thể gây ra tình trạng kháng thuốc hoặc gặp phải các tác dụng không mong muốn. 

Tiểu phẫu

Nếu kích thước nhọt lớn, bác sĩ có thể sẽ thực hiện tiểu phẫu rạch vào tháo dịch nhằm loại bỏ bớt dịch mủ, giảm cảm giác đau đớn, khó chịu cho người bệnh, đồng thời thúc đẩy quá trình hồi phục các tổn thương.

Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng thường dùng tia laser hoặc ánh sáng sinh học chiếu vào vùng da cần điều trị với mục đích tiêu diệt ổ vi khuẩn, nấm, virus gây viêm.

Đọc thêm: Bị mụn viêm đỏ ở má là do đâu?

Làm thế nào để phòng ngừa mụn viêm nang lông?

Với những người từng bị mụn viêm nang lông thì nguy cơ mụn tái phát là rất cao. Do đó, thay đổi các thói quen trong sinh hoạt hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa mụn viêm nang lông quay trở lại. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:

Thường xuyên vệ sinh bồn tắm: Bồn tắm là một trong những địa điểm da tiếp xúc hàng ngày. Chính vì thế, bạn nên vệ sinh bồn tắm hàng ngày, tránh để vi khuẩn, nấm, bụi bẩn bám vào và tiếp xúc trực tiếp với làn da của bạn.

Làm thế nào để phòng ngừa mụn viêm nang lông? 1
Lau chùi, cọ rửa bồn tắm hàng ngày, tránh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển

Mặc quần áo rộng rãi khi trời nóng, ẩm: Quần áo chật, bó sát là điều kiện thuận lợi cho bụi bẩn, mồ hôi tích tụ tại lỗ chân lông. Vì vậy, bạn nên lựa chọn cho mình những bộ đồ rộng rãi, thoải mái, chất liệu cotton có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, đặc biệt là vào những ngày trời nóng bức để ngăn ngừa sự xuất hiện của mụn viêm nang lông.

Vệ sinh cơ thật kỹ lưỡng: Thông thường, khi vệ sinh cơ thể chúng ta thường bỏ quên các vùng da tay, chân, cổ. Những thói quen tưởng chừng như vô hại này đã tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm tích tụ trên bề mặt da. Do đó, bạn cần vệ sinh sạch sẽ toàn bộ vùng da trên cơ thể và đừng quên tẩy tế bào chết định kì 2 lần/ tuần.

Sử dụng sản phẩm chăm sóc da phù hợp: Mỗi làn da đều có những đặc điểm riêng biệt và phù hợp với từng chế độ chăm sóc da khác nhau. Vì vậy, việc lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp là điều hết sức cần thiết. Với những cô nàng da khô nên lựa chọn sản phẩm chăm sóc da có đặc tính cấp ẩm tốt. Ngược lại, những cô nàng sở hữu làn da dầu nên tránh xa các sản phẩm chứa dầu và nên chọn sản phẩm “oil-free” (không chứa dầu) hoặc “non-comedogenic” (không làm tắc nghẽn lỗ chân lông).

Cẩn thận trong quá trình cạo râu: Bạn nên rửa sạch và thoa kem dưỡng ẩm trước khi cạo. Tiếp đó, cạo râu theo hướng râu mọc và chú ý thường xuyên đổi lưỡi dao cạo để lưỡi dao luôn được sắc bén. Kết thúc quá trình cạo râu bạn cần rửa sạch vùng da vừa cạo và thoa một lớp kem dưỡng ẩm. Thêm vào đó, bạn không nên dùng chung dao cạo, khăn mặt, khăn tắm với người khác.

Che chắn, bảo vệ làn da: Trong môi trường không khí bị ô nhiễm, bụi bẩn dễ dàng tích tụ trên bề mặt da và gây ra mụn viêm nang lông. Do đó, hãy hình thành thói quen trang bị các vật dụng che chắn làn da của bạn mỗi khi ra ngoài để bảo vệ sức khỏe làn da của mình.

Giặt đồ bơi hoặc đồ lặn sau mỗi lần mặc: Bụi bẩn, vi khuẩn trong hồ bơi sẽ bám và tích tụ trong đồ bơi hoặc đồ lặn sau mỗi lần sử dụng. Vì vậy, việc bạn cần làm là giặt sạch và phơi sấy khô chúng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về mụn viêm nang lông. Hi vọng rằng với những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết mụn viêm nang lông và có hướng xử trí phù hợp. Nếu bạn còn thắc mắc về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến mụn viêm nang lông có thể bình luận trong phần dưới đây để nhận được sự tư vấn từ đội ngũ dược sĩ của Sahemul nhé!

Tài liệu tham khảo:

  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/folliculitis/symptoms-causes/syc-20361634
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17692-folliculitis
  • https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-benh-viem-nang-long-16985588.htm

Cập nhật lúc: 27/02/2024
*ƯU ĐÃI* nhân dịp sinh nhật 12 tuổi: Tích đủ 12 điểm tặng ngay 1 hộp trà Đông trùng hạ thảo hoặc 1 hộp Đông trùng hạ thảo 20 viên trị giá 600.000đ. (Áp dụng song song với chương trình tích đủ 6 điểm tặng 1 hộp 20 viên). Chi tiết vui lòng liên hệ 1800.1506

Bài viêt liên quan

Xem thêm »

Có thể bạn quan tâm

Loading...