Mang thai là một hành trình đong đầy cảm xúc, có những niềm vui nhưng cũng có vô vàn nỗi lo lắng. Trong đó, không thể không kể đến nỗi lo khi mụn xuất hiện dày đặc và để lại những vết thâm mụn gây mất thẩm mỹ. Đâu là giải pháp trị thâm mụn? Liệu bà bầu có dùng được kem trị thâm mụn? Chọn kem trị thâm mụn cho bà bầu thế nào cho đúng? Cùng chúng tôi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Mục lục
Bà bầu có dùng được kem trị thâm mụn không?
Khi mang thai, nội tiết tố của cơ thể thay đổi, làm gia tăng hormon androgen nên tăng sản xuất bã nhờn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông cùng với sự tăng sinh quá mức sắc tố Melanin là nguyên nhân hình thành thâm mụn ở bà bầu.
Thực tế cho thấy, nhiều bà bầu có tâm lý bài xích các sản phẩm chăm sóc da do lo ngại chứa các thành phần gây ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng hiện nay có rất nhiều sản phẩm chăm sóc da, kể cả các sản phẩm kem trị thâm mụn chứa các thành phần được cho là an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Chính vì vậy, bà bầu hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng kem trị thâm mụn mà không cần lo ngại tác dụng phụ mà nó mang lại.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng kem trị thâm mụn, bà bầu nên thăm khám với bác sĩ da liễu để được tư vấn, đánh giá về tình trạng và mức độ thâm mụn. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cũng như các sản phẩm kem trị thâm mụn phù hợp. Bà bầu nên dùng kem trị thâm mụn khi được sự cho phép của bác sĩ da liễu và tuân thủ đúng liều dùng và cách dùng theo chỉ dẫn.
Cách chọn kem trị thâm mụn cho bà bầu an toàn, hiệu quả
Thành phần bà bầu nên chọn
☛ Kojic acid
Hoạt chất đầu tiên trong danh sách đó là Kojic acid. Đây là thành phần được chiết xuất từ quá trình lên men của nhiều loại nấm, lên men rượu gạo, lên men nước tương,… Kojic acid có tác dụng ức chế enzyme Tyrosinase – một loại enzyme tổng hợp Melanin, nhờ đó làm mờ các vết thâm mụn và giúp da sáng đều màu hơn.
Do Kojic acid có độ ổn định không cao nên một số nhà sản xuất sẽ bào chế dưới dạng dẫn xuất este của nó là Kojic Dipalmitate để nâng cao tính ổn định và phát huy tối đa công dụng của thành phần này.
☛ Vitamin C
Sau Kojic acid, thành phần tiếp theo trong danh sách các thành phần mà bà bầu được khuyên dùng đó là vitamin C. Vitamin C vốn là một trong những vitamin thiết yếu của cơ thể và thường xuyên được bổ sung qua chế độ ăn uống hàng ngày. Vậy nên, thành phần này không gây tác động xấu nào đến thai nhi.
☛ AHA
AHA tiếp tục là một trong những thành phần mà bà bầu có thể yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, bà bầu nên sử dụng AHA ở nồng độ thấp để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Thành phần này có tác dụng lấy đi các tế bào chết, bụi bẩn để các dưỡng chất hấp thu tốt hơn. Ngoài ra, AHA còn giúp cải thiện các vết thâm mụn, làn da xỉn màu hoặc không đều màu.

☛ BHA
BHA là gương mặt thân quen trong kem trị thâm mụn. Nó có khả năng thấm sâu vào lỗ chân lông, loại bỏ dầu thừa, bã nhờn, bụi bẩn và ngăn ngừa hình thành mụn.
Liệu bà bầu có thể sử dụng kem trị thâm mụn chứa thành phần BHA? Đây là thắc mắc của đa số bà bầu. Tuy nhiên, bà bầu không cần quá lo lắng. Theo Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, bà bầu có thể sử dụng BHA qua đường bôi ngoài da, với liều lượng thấp (dưới 2%). [1]
Tuy nhiên, bà bầu cần hết sức lưu ý không được sử dụng BHA (Acid salicylic) đường uống vì có thể gây xuất huyết nội sọ, theo nghiên cứu công bố năm 2009.[2]
☛ Niacinamide
Niacinamide còn được gọi với cái tên là Nicotinamide, là một dẫn xuất của vitamin B3. Nó luôn được phái đẹp tin tưởng lựa chọn trong hành trình làm trắng da, mờ các vết thâm mụn, nám, tàn nhang. Ngoài ra, Niacinamide còn có đặc tính chống viêm và tăng cường sản xuất Ceramides – nguyên liệu chủ yếu để xây dựng hàng rào bảo vệ da.
Cho đến hiện nay, chưa có báo cáo ghi nhận tác động nào của Niacinamide gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nên đây vẫn là một thành phần mà mẹ bầu nên bổ sung vào các sản phẩm chăm sóc da của mình.
Thành phần bà bầu nên tránh
☛ Retinoid

Đứng đầu danh sách những thành phần trong kem trị thâm mụn mà bà bầu nên tránh xa đó là Retinoid – một dẫn xuất của vitamin A. Retinoid còn tồn tại ở các dạng như Isotretinoin, Tretinoin, Tazarotene, Retinaldehyde,… Mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho làn da nhưng Retinoid cũng tiềm ẩn không ít tác dụng phụ, nổi bật nhất là khả năng gây dị tật thai nhi.[3]
Một số dị tật ở thai nhi do Retinoid gây ra, có thể kể đến là:
- Não úng thủy: Là tình trạng dịch lỏng trong não trẻ bị dư thừa quá mức, dẫn đến tăng áp lực và gây ra hiện tượng phù, làm tổn thương mô não.
- Bệnh đầu nhỏ: Trẻ sinh ra có kích cỡ đầu và não nhỏ hơn bình thường. Điều này dẫn đến các ảnh hưởng về mặt nhận thức và sự phát triển của trẻ.
- Dị tật ở tim: Trẻ bị khuyết tật trong cấu trúc tim ngay từ khi trong bụng mẹ và lớn lên thường mắc các bệnh về tim mạch như tứ chứng Fallot, thông liên thất,…
- Các dị tật về thính giác (ống tai bị hẹp, tai nhỏ,…), dị tật về xương (nứt cột sống, giảm chi,…).
Thêm vào đó, Retinoid còn làm tăng nguy cơ xảy thai nên phụ nữ mang thai hoặc có dự định mang thai không nên sử dụng các loại kem trị thâm mụn chứa thành phần này.
☛ Hydroquinone
Một trong những thành phần không nên có mặt trong kem trị thâm mụn cho bà bầu đó là Hydroquinone. Hydroquinone là chất làm trắng da đã được FDA xếp vào mục C (mục có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi). Thành phần này đã được nghiên cứu trên động vật và cho thấy có ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, nó chưa được thực hiện trên phụ nữ có thai do không đảm bảo tính an toàn. [4]
☛ Parabens
Nhờ có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm, Parabens góp mặt trong kem trị thâm mụn giúp ức chế hoạt động của các tác nhân gây hại cho da. Đồng thời, nó được coi là một chất bảo quản, kéo dài thời gian sử dụng bằng cách đẩy lùi quá trình phân giải các hoạt chất trong kem trị thâm mụn.
Một nghiên cứu vào năm 2016 cho biết nếu phụ nữ mang thai tiếp xúc với BPA (một loại Parabens khá phổ biến) sẽ làm ảnh hưởng đến quá tình phát triển cũng như cân nặng của trẻ, trẻ bị nhẹ cân, chậm phát triển, rối loạn hành vi,… Thậm chí, BPA có thể gây sảy thai nên đây là thành phần mà bà bầu không nên dùng.
Phù hợp với da
Không phải kem trị thâm mụn nào cũng phù hợp với tất cả các loại da. Bạn nên chọn các loại kem trị thâm mụn phù hợp với da và tình trạng thâm mụn của mình.
Nếu thuộc tuýp da khô, bạn nên sử dụng các loại kem trị thâm mụn có chứa thành phần cấp ẩm cho da. Ngược lại, những bạn sở hữu làn da dầu nên chọn các sản phẩm có khả năng kiểm soát dầu nhờn, để hạn chế tình trạng da đổ nhiều dầu gây bít tắc lỗ chân lông.

Chất lượng sản phẩm
Trên thị trường mỹ phẩm hiện nay xuất hiện rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái hoặc sản xuất, gia công bằng quy trình không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, mẹ bầu nên lựa chọn các sản phẩm kem trị thâm mụn có thương hiệu uy tín, được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (tối thiểu là GMP-WHO).
Cách sử dụng kem trị thâm mụn cho bà bầu
Làn da nổi mụn trong thai kỳ là điều khó tránh khỏi và thông thường tình trạng này sẽ chấm dứt sau sinh. Tuy nhiên, để hạn chế hậu quả mà mụn để lại, bạn nên sử dụng kem trị thâm mụn càng sớm càng tốt. Kem trị thâm mụn sẽ đạt hiệu quả cao khi thực hiện theo các bước dưới đây:
Làm sạch da mặt
Đây là bước đầu tiên và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chu trình chăm sóc da. Bạn nên làm sạch da mặt tối thiểu 2 lần/ ngày (sáng, tối) và nên dùng sản phẩm tẩy trang vào buổi tối giúp loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, cặn mỹ phẩm, kem chống nắng còn tồn đọng trên da.
Kem trị thâm mụn
Đây là bước không thể thiếu trong hành trình trị thâm mụn của bà bầu. Hiện nay, có những sản phẩm trị mụn, thâm mụn có thể dùng cho toàn bộ da mặt hoặc chỉ chấm lên những vùng da bị mụn, thâm mụn. Vì vậy, bạn nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất để dùng cho đúng.
Một sản phẩm có hiệu quả 2 trong 1 vừa làm giảm sưng viêm do mụn, vừa làm mờ các vết thâm mụn là sự lựa chọn lý tưởng, giúp rút gọn các bước chăm sóc da mà vẫn đảm bảo hiệu quả trị thâm mụn.
Dưỡng ẩm
Kem dưỡng ẩm là lớp bảo vệ giúp “khóa” các hoạt chất trong kem trị thâm mụn không bị tác động bởi các yếu tố môi trường đồng thời cấp ẩm cho làn da. Bạn nên dùng kem dưỡng ẩm cho cả buổi sáng và buổi tối. Với những bà bầu có công việc quá bận rộn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có tác dụng chống nắng vào buổi sáng để tiết kiệm thời gian chăm sóc da.
Thoa kem chống nắng
Như các bạn đã biết, ánh nắng mặt trời là một trong những yếu tố làm tăng sắc tố ở những vùng da bị tổn thương và gây nên những vết thâm mụn, sạm, nám,… Chính vì vậy, khi bị mụn và trong quá trình trị thâm mụn, bạn đừng quên thoa kem chống nắng hàng ngày, ngay cả khi không ra ngoài.
Đọc thêm: Các mẹo trị thâm mụn tại nhà cho mẹ bầu
Bí quyết giúp bà bầu chăm sóc da mụn an toàn trong suốt thai kỳ
Chăm sóc da mụn trong thai kỳ là cả một chặng đường dài và đòi hỏi kết hợp bởi nhiều yếu tố, trong đó chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chế độ ăn uống
Uống đủ nước: Nước là thành phần quan trọng đối với sức khỏe làn da. Nếu uống ít nước sẽ làm da bị khô và phải tiết nhiều dầu hơn để cân bằng độ ẩm trên da. Thường xuyên tiết nhiều dầu nhờn là nguyên nhân làm lỗ chân lông bị bít tắc gây nên mụn.
Chính vì thế, bà bầu nên uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, tránh để da khô quá mức. Bên cạnh đó, uống nhiều nước còn giúp thải trừ độc tố, thanh nhiệt, góp phần ngăn ngừa mụn hình thành trong tương lai.
Bổ sung trái cây và rau xanh: Bà bầu nên bổ sung các loại trái cây và rau xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho làn da như súp lơ, ớt chuông, cam, dâu tây, ổi, kiwi,…

Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ ngọt: Đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ ngọt là một trong những tác nhân khiến da nổi mụn.
Tránh xa đồ uống có gas và chất kích thích: Đây là những thành phần không những không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và em bé mà còn ảnh hưởng đến làn da.
Thói quen sinh hoạt
Giữ tinh thần thư thái, thoải mái: Dành thời gian thư giãn, làm các công việc mình yêu thích như đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè,…
Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ là một là một trong những yếu tố giúp tinh thần tỉnh táo, thoải mái và đây cũng là khoảng thời gian làn da được nghỉ ngơi, hấp thu các dưỡng chất. Vì vậy, bà bầu nên ngủ ít nhất 6 tiếng vào ban đêm và 30 phút vào buổi trưa.
Giữ da mặt thông thoáng: Bà bầu nên thường xuyên gội đầu, thay vỏ gối, ga giường để hạn chế khả năng da mặt tiếp xúc với bụi bẩn.
Không nặn mụn: Bất kỳ tổn thương hay vết trầy xước nhẹ nào trên da cũng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Chính vì vậy, nặn mụn là một trong những nguyên nhân khiến vi khuẩn có thể dễ dàng tấn công, gây nên tình trạng mụn tái đi tái lại và để lại các vết thâm mụn.
Hạn chế trang điểm: Lớp trang điểm đôi khi có thể khiến lỗ chân bị bít tắc, “khó thở” và dễ nổi mụn.
Dùng các vật dụng che chắn khi ra ngoài: Nên mặc áo chống nắng, mũ rộng vành, kính mắt,… để bảo vệ da trước tác động của ánh nắng mặt trời, bụi bẩn,…
Giảm thâm mụn bằng các loại mặt nạ từ thiên nhiên: Bà bầu có thể đắp mặt nạ từ các nguyên liệu tự nhiên như chanh, cà chua, nha đam, nghệ tươi, dưa leo,… Đây là những nguyên liệu có khả năng làm mờ các vết thâm mụn, lành tính và phù hợp với sức khỏe của bà bầu. Nhưng bà bầu cần lưu ý không nên đắp mặt nạ quá thường xuyên, 2 – 3 lần/ tuần là tần suất hợp lý để hấp thu tối đa các dưỡng chất trong mặt nạ.
☛ Đọc chi tiết: Top 9 mặt nạ trị thâm mụn cho da khô, da dầu, da hỗn hợp
Trên đây là những lưu ý khi chọn kem trị thâm mụn cho bà bầu. Hi vọng qua bài viết bà bầu có thêm nhiều thông tin hữu ích để hành trình mang thai không còn nỗi lo bị thâm mụn.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3114665/
- [1]:https://www.acog.org/womens-health/faqs/skin-conditions-during-pregnancy?utm_source=redirect&utm_medium=web&utm_campaign=otn#pregnancy
- [2]: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4989666/
- [3]: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3427051/
- [4]: https://www.drugs.com/pregnancy/hydroquinone-topical.html#ref_pregnancy